www.hitc.vn Giải pháp Công nghệ Viễn Thông
23/03/2023
Bộ TT&TT lần đầu công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng

Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo vừa được Bộ TT&TT công bố. Đây là trang web của các nhãn hàng, doanh nghiệp được khuyến khích cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT vừa đăng tải công khai trên website bản danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo.

Trong lần đầu tiên được xây dựng và công bố, White List gồm danh sách đã được cấp phép của 301 báo, tạp chí điện tử; 1.381 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 mạng xã hộivới đầy đủ thông tin về cơ quan cấp phép, số giấy phép, đơn vị được cấp phép, cơ quan chủ quản cũng như tên miền website. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể xem chi tiết White List trên trang abei.gov.vn của Cục PTTH&TTĐT.

Trước đó, từ tháng 5/2022 đến cuối năm ngoái, Cục PTTH&TTĐT đã 3 lần công bố các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật để yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo nắm được và không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với những trang này. Tổng số website vi phạm pháp luật mà Bộ TT&TT đã công bố trong năm 2022 là 171 trang.

Việc xây dựng và công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” – White List và nội dung “đen” (Black List) của Việt Nam là một trong những giải pháp của Bộ TT&TT nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet.

Theo Cục PTTH&TTĐT, White List gồm các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiếp tục được mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để khuyến khích các nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trên những website này.

Cùng với đó, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT sẽ công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm (bao gồm: website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng) và khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp không hợp tác quảng cáo với những đối tượng này.

Những năm gần đây, quảng cáo trên mạng phát triển nhanh chóng, trở thành xu thế tất yếu nhờ khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Tuy nhiên, quảng cáo xuyên biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Nhận định quảng cáo trên mạng còn nhiều bất cập, hồi cuối tháng 12/2022, khi đánh giá tổng kết hoạt động thông tin điện tử trong năm, đại diện Cục PTTH&TTĐT đã chỉ rõ những tồn tại như: người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc kiểm duyệt nội dung, nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật…

Cùng với đó, nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo Việt Nam chưa chủ động kiểm soát quảng cáo, không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm.

Trong phát biểu kết luận hội nghị chuyên đề về hoạt động quảng cáo trên mạng Internet hồi tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.

Mục tiêu của các giải pháp được Bộ TT&TT triển khai là ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.

Nhấn mạnh quan điểm các doanh nghiệp, nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu, đại diện Bộ TT&TT cho biết sẽ xử lý nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với những nền tảng không thực hiện thông báo với Bộ theo quy định.

Trong năm nay, Cục PTTH&TTĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường rà soát và xử lý vi phạm của các chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo xuyên biên giới như: Facebook, Google, Ad Network nước ngoài; đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo Việt Nam (trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trong nước).

Đồng thời, Cục PTTH&TTĐT cũng phối hợp với các Sở TT&TT và lực lượng công an để tổ chức đoàn thanh, kiểm tra đối với các đại lý quảng cáo và nền tảng phát hành quảng cáo có nhiều vi phạm.